Miếu Quan Đế - Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng cấp tỉnh
Lượt xem: 72
Di tích miếu Quan Đế (hay gọi là đền Quan Thánh Đế) nằm ở trung tâm thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc) là Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng, nơi giao thoa về văn hóa, nơi người dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Di tích miếu Quan Đế (hay gọi là đền Quan Thánh Đế) nằm ở trung tâm thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc) là Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng, nơi giao thoa về văn hóa, nơi người dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng.

anh tin bai

(Miếu Quan Đế trước khi cải tạo)

Tọa lạc giữa trung tâm thị trấn Bảo Lạc, miếu Quan Đế được xây dựng khoảng cuối thế kỷ thứ 15, thờ Quan Vân Trường còn gọi là Quan Vũ, Quan Công, một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán vào thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Miếu còn là nơi thờ hai trung thần thời hậu Lê là Nông Văn Khoan và Bế Nguyễn Hào. Nông Văn Khoan là “phiên thần” thời Lê Hiến Tôn, sắc phong triều hầu; Bế Nguyễn Hào là Sảng Quận công.

Ông Dương Mạnh Cường, 72 tuổi, thị trấn Bảo Lạc cho biết: Trước đây, người dân địa phương thường gọi là chùa Quan Đế. Ngôi miếu này được xây dựng trước chùa Vân An, chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm, suốt chặng đường dài lịch sử hình thành huyện Bảo Lạc.

Miếu Quan Đế được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, diện tích khoảng 500 m2, chia thành 2 gian tiền sảnh và hậu cung, giữa sân lát đá nguyên khối sâu 8 m, rộng 10 m, 2 bên sân có 2 gian thờ nhỏ rộng khoảng 30 m2 thờ Thổ Công, 4 góc sân trồng cây đào tiên và cây liễu.

Trước đây, hậu cung gồm 3 gian mái lợp ngói máng, liên kết bộ khung vì, kèo, cột bằng gỗ hoa văn, câu đối. Tượng thờ gồm 3 tượng đất, ở giữa là tượng Quan Công mặt đỏ, râu dài làm bằng đất nung, sơn son hết sức tinh xảo; bên trái tượng Châu Xương - tướng quân đệ tử của Quan Đế, mặt đen, râu dài, đầu đội nón vanh, tay phải cầm thanh Đại Long Đao của Quan Công; bên phải là tượng Quan Bình - con nuôi của Quan Công tay phải bưng hòm ấn, tay trái đặt trên Đốc Kiếm. Trong gian hậu cung trước kia có cả trống và chuông, nhưng do biến cố của lịch sử, chiến tranh và thời gian nên những di vật này đã bị mất, tượng thờ bị phá.

anh tin bai

(Miếu Quan Đế sau khi được tu sửa, nâng cấp)

Bàn thờ giữa đặt một bát hương lớn bằng sứ màu xanh ngọc, 2 bên có đôi Hồng Hạc bằng đồng đen và các đồ thờ bằng đồng khác. Gian tiền sảnh sâu 10 m, rộng 15 m, bên phải dựng tượng bà Chúa Mẫu cao 1,5 m, bên trái đặt trên bệ 2 bát hương bằng sứ thờ 2 vị trung thần nhà Hậu Lê là Nông Văn Khoan và Bế Nguyễn Hào.

 Đi tiếp qua tiền đường là khoảng sân rộng để đến gian hậu cung. Hai dãy hành lang có hai cửa ngách thông ra ngoài. Một bên cửa là lối vào sân, cửa hành lang bên phải là thông ra bếp, cửa hành lang bên trái thông ra phòng của người coi miếu.

Ngôi miếu được xây dựng bằng gạch đất nung và trát bằng vữa tam hợp trộn vôi và mật, dày khoảng 0,5 cm. Mái lợp ngói âm dương, các cột bằng gỗ lim, nghiến, 2 cột lớn giữa gian tiền sảnh có đường sơn son đỏ. Những bức hoành phi được chạm trổ tinh sảo, màu sắc pha trộn độc đáo.

Trên tường vẽ hình người, muông thú, cỏ cây, sông nước của thời bấy giờ. Những nét vẽ tinh sảo, màu sắc hài hòa, trải qua nhiều năm tháng vẫn còn sắc nét, không phai mờ. Đền quay mặt theo hướng Tây Nam, xuôi theo dòng sông Gâm, lưng tựa vào núi Vân Trung. Sân miếu là nơi giao lưu văn hóa tín ngưỡng của người dân Bảo Lạc, nhất là trong 3 ngày Tết Nguyên đán.

Trải qua sự bào mòn của thời gian và do ý thức của con người, miếu Quan Đế không còn giữ được hiện trạng như ban đầu. Các di vật trong di tích như: trống, chuông, các bức hoành phi, câu đối đã bị mất. Hiện nay, miếu chỉ còn lại 1 bức hoành phi, 1 nửa câu đối.

Năm 2017, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, nhân dân thị trấn, đặc biệt là tổ dân phố 3, miếu Quan Đế được đầu tư tu sửa, nâng cấp lại, đáp ứng nhu cầu của bà con, du khách thập phương đến dâng hương, tham quan. Miếu thờ các vị trung thần, theo quan niệm của người dân, tính trung hiếu của các vị trung thần sẽ đem lại điều tốt lành cho mọi người. Đến nay, cứ đến ngày Rằm hằng tháng, nhân dân lại đến miếu Quan Đế thắp hương cầu mùa màng bội thu, bình an, mạnh khỏe.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, ngày 30/12/2013, miếu Quan Đế được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Việc được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đáp ứng lòng mong mỏi của bà con địa phương nói riêng, chính quyền huyện Bảo Lạc nói chung, góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa, phát huy giá trị di tích tại địa phương.  

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập