Lịch sử phát triển

 Vùng đất thị trấn Bảo Lạc được hình thành và phát triển lâu đời. Thời Lý Trần, Bảo Lạc thuộc châu Quảng Nguyên. Thời nhà Lê, nước ta chia thành đạo, dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu; đơn vị hành chính cơ sở là xã. Vùng đất thị trấn Bảo Lạc thời kỳ này thuộc Tây đạo. Đến thế kỷ XVII, các đạo được đổi thành trấn; sang thế kỷ XVIII lại được đổi thành thừa tuyên; dưới trấn là phủ, huyện, châu, xã. Thế kỷ XIX (vào các năm 1831, 1832), vua Minh Mệnh xóa bỏ các tổng, trấn, thành lập đơn vị tỉnh; dưới tỉnh là phủ, huyện, châu và tổng xã; châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Tuyên Quang[1].

Năm 1835, sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa do Nông Văn Vân, vua Minh Mệnh bỏ châu Bảo Lạc, chia thành 2 huyện: Huyện Vĩnh Điện (gồm có 2 tổng, 11 xã) và huyện Để Định (gồm có 2 tổng, 9 xã). Đến năm 1891, châu Bảo Lạc được lập lại, thuộc tỉnh Hà Giang.

Năm 1886, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng tại Cao Bằng, lập ách cai trị bằng quân sự. Ở Bắc Kỳ, thực dân Pháp thành lập 4 đạo quan binh: Đạo quan binh 1 Phả Lại, Đạo quan binh 2 Lạng Sơn, Đạo quan binh 3 Yên Bái, Đạo quan binh 4 Sơn La. Mỗi đạo quan binh được chia thành các tiểu quân khu. Cao Bằng là một Tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh 2 Lạng Sơn, thủ phủ đặt tại Cao Bằng, địa bàn gồm tỉnh Cao Bằng và huyện Cảm Hóa (tách ra từ phủ Thông Hóa tỉnh Thái Nguyên). Về sau Tiểu quân khu Cao Bằng chuyển thành Đạo quan binh 2 Cao Bằng, gồm 3 tiểu quân khu: Cao Bằng, Bảo Lạc, Bắc Kạn.

Những năm 20 của thế kỷ XX, tỉnh Cao Bằng gồm 1 phủ, 8 châu, 33 tổng, 230 xã. Châu Bảo Lạc có 2 tổng: Tổng Mông Ân có 5 xã là Lạc Thổ, Mông Ân, Mông Yên, Nam Cao, Quan Quang; tổng Nam Quang gồm 5 xã là Ân Quang, Gia Lạc, Yên Đức, Yên Lạc, Yên Lãng[2]. Vùng đất thị trấn Bảo Lạc ngày nay thuộc tổng Nam Quang, châu Bảo Lạc.

Sau khi chiếm Cao Bằng, thực dân Pháp xâm lược Bảo Lạc, tách phố Bảo Lạc thành một “tiểu khu” - nơi đặt bộ máy cai trị của người Pháp ở địa phương. Thị trấn Bảo Lạc lúc này có tên gọi là phố Vân Trung - tên ngọn núi thuộc xã Khánh Xuân, nơi nghĩa quân của Nông Văn Vân làm lễ tế. Về sau, phố Vân Trung đổi tên thành phố Trung Mang. Cách mạng tháng Tám thành công, phố mang tên Bảo Lạc. Đồng bào các thôn xã, các tổng trong huyện bấy giờ còn gọi khu phố này là “Háng Mường” (vì phố có chợ - nơi buôn bán sầm uất bậc nhất của cả một vùng miền Tây rộng lớn). Năm 1946, phố Bảo Lạc sáp nhập vào xã Kim Đồng (năm 1948, xã Kim Đồng đổi tên thành xã Hồng Trị).

Năm 1954, hòa bình lập lại, phố Bảo Lạc trở thành thị trấn Bảo Lạc. Thị trấn lúc đó hình thành 4 xóm với hơn một trăm hộ dân.

Sau năm 1975, Bảo Lạc là thị trấn huyện lỵ của huyện Bảo Lạc. Ngày 13/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định 183/2007/NĐ-CP về việc mở rộng thị trấn Bảo Lạc trên cơ sở: Điều chỉnh 304 ha diện tích tự nhiên và 498 nhân khẩu của xã Hồng Trị; Điều chỉnh 215 ha diện tích tự nhiên và 162 nhân khẩu của xã Thượng Hà. Sau khi điều chỉnh, thị trấn Bảo Lạc có 1.103 ha diện tích tự nhiên và 3.447 người. Đến những năm đầu thập niên 90, thế kỉ XX thị trấn thành lập thêm các khu 7, 8, 9, 10, 11.

Đến năm 2019, thị trấn Bảo Lạc có 10 tổ dân phố, đánh số từ 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 4 xóm: Nà Dường, Nà Pằn, Nà Phạ, Nà Sài.

Ngày 09/9/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc: Sáp nhập một phần tổ dân phố 1 vào tổ dân phố 2; sáp nhập tổ dân phố 10 vào phần còn lại của tổ dân phố 1; sáp nhập tổ dân phố 4 vào tổ dân phố 3; sáp nhập tổ dân phố 9 và xóm Nà Sài thành tổ dân phố 4; sáp nhập tổ dân phố 8 và xóm Nà Pằn thành tổ dân phố 5; sáp nhập tổ dân phố 11 vào tổ dân phố 6; Sáp nhập xóm Nà Phạ vào tổ dân phố 7. Với diện tích 14,79 km², dân số là 4.771 người, mật độ dân số đạt 323 người/km².

anh tin bai

Là trung tâm miền Tây của tỉnh Cao Bằng, phố Bảo Lạc từ lâu đời trở thành nơi tụ cư, sinh sống của nhiều dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao (đỏ), Lô Lô, Thái, Mường, Sán Dìu, Sán Chỉ

Dân tộc Tày là cư dân vùng bản địa, sống lâu năm ở Thị Trấn Bảo Lạc có số dân đông nhất với 364 hộ, 1.474 nhân khẩu (theo số liệu thống kê năm…) với các dòng họ chủ yếu là Nông, Quan, Hoàng, Lục, Nội, Lữ, Mê, Tô, Lãnh. Trong đó, dòng họ Nông, Quan, Hoàng là dòng họ đông hơn cả.

anh tin bai

Dân tộc Nùng đến định cư tại thị trấn từ lâu đời. Một số ít ở biên giới Việt - Trung sang định cư từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, một số từ địa phương khác đến. Dân tộc Nùng có các họ Nông, Triệu, Lý, Hoàng, Dương...

Dân tộc Tày, Nùng chuyên làm nghề nông, trồng lúa, ngô, làm nương rẫy, trồng mía làm đường mật, trồng rau màu, hoa quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm..., làm một số nghề thủ công như rèn dao, búa, dụng cụ cầm tay phục vụ sản xuất, nung vôi, làm gạch ngói, làm giày vải,... Đến nay, cuộc sống của bà con Tày, Nùng ở thị trấn nhìn chung ổn định.

Dân tộc Kinh đến định cư ở thị trấn từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Do sống chung với cộng đồng người Tày, Nùng nên trong sinh hoạt, họ thường dùng tiếng Tày, Nùng. Người Kinh có tính cần cù, tiết kiệm trong chi tiêu nên kinh tế gia đình khá giả hơn. Về dòng họ có họ Nguyễn, Hoàng.

Dân tộc Mông ở thị trấn Bảo Lạc đa số di cư từ các xã lân cận đến. Cũng như người Mông sinh trú trên địa bàn các tỉnh miền núi nước ta, người Mông ở thị trấn Bảo Lạc chuyên làm nương rẫy, trồng trọt, độc canh cây ngô, chăn nuôi bò, lợn, gà. Về kinh tế và đời sống nói chung còn nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác, thiếu kinh nghiệm làm ăn.

Ngoài ra, trên địa bàn thị trấn Bảo Lạc còn có dân tộc Dao đến từ xã Hưng Đạo; Lô Lô (thuộc nhóm Lô Lô đen), đến từ Khuổi Khon (Hồng Trị); dân tộc Thái (gốc tích từ Sơn La); dân tộc Mường (từ Phú Thọ); dân tộc Sán Dìu (Thái Nguyên). Những dân tộc này đến công  tác tại huyện và cư trú tại Thị trấn Bảo Lạc.

Như vậy, có thể thấy những bộ phận dân cư với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, đến sinh sống trên địa bàn thị trấn Bảo Lạc vào những thời điểm khác nhau nhưng đã nhanh chóng hòa nhập, gắn kết xây dựng nên quê hương thị trấn Bảo Lạc giàu đẹp.

Do là nơi hội tụ của nhiều dân tộc đến sinh sống nên vùng đất thị trấn Bảo Lạc có nền văn hóa độc đáo, đặc sắc. Sự đa dạng, độc đáo của văn hóa các dân tộc Bảo Lạc được thể hiện rõ nét qua chợ phiên.

Trước đây, chợ phiên thị trấn Bảo Lạc họp vào 2 ngày quan trọng nhất trong năm là ngày 30/3 (cuối Xuân) và ngày 15/8 âm lịch (cuối Thu). Đồng bào gọi là ‘’háng toán hoặc “háng phúng lìu”; người Nùng biên giới gọi là “phúng lìu cái”, tức là chợ phong lưu. Chợ hội phong lưu đã có từ xa xưa, không ai đứng ra tổ chức nhưng cứ đến phiên chợ, nam nữ ở các xã đến tụ hội từng đoàn với trang phục của đồng bào mình. Những thiếu nữ dân tộc Mông rực rỡ trong bộ váy xòe hoa; phụ nữ dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ mang trên người trang phục đỏ, đen, vàng; những cô gái Tày, Nùng đầu quấn khăn. Không khí của phố chợ nhộn nhịp. Mặt hàng chính trong “phiên chợ phong lưu” là bánh khảo, đường phên, nhân tàu xá được được gói vuông vắn bằng giấy xanh đỏ để các chàng trai mua tặng các cô gái đã quen biết, hẹn hò từ phiên chợ phong lưu năm trước. Các cô gái tặng lại chàng trai đôi giày vải tự tay khâu. Khi chàng trai nhận đôi giày từ cô gái, đo vào chân, nếu vừa như in, họ rủ nhau đi ăn phở thắng cố, phở xá xíu và uống rượu. Chợ hội thị trấn thường kéo dài đến chiều tối mới lưu luyến chia tay. Ngày nay, chợ phong lưu vẫn được tổ chức nhưng trai - gái không còn tặng nhau bánh khảo và giày vải như trước.

Ngoài chợ phong lưu, chợ phiên ở Bảo Lạc cứ 5 ngày họp một lần vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hằng tháng. Những sản vật của địa phương được bà con bày bán ở chợ gồm: Ngô, khoai, bún, gia cầm, gia súc, củ mài, củ ấu, măng, rau rừng, mật ong…

Từ cuối năm 2020, chợ đêm Bảo Lạc được hoạt động vào thứ Bảy hằng tuần. Tại đây, có các hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật với những điệu hát Then, Sli, Lượn, Nàng ới...; các hoạt động vui chơi, giải trí và trò chơi dân gian. Điểm nhấn của chợ đêm là các gian hàng quảng bá sản phẩm đặc sản và không gian văn hóa đặc trưng của từng xã trong huyện.

anh tin bai

 



[1] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Lạc, Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Lạc (1930 - 2005), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2010, tr.10.

[2] Ngô Vi Liễn, Danh mục các làng xã Bắc Kỳ, xuất bản tại Hà Nội, 1928.